Bối cảnh Tên của đóa hồng (*) là giai đoạn lịch sử Kitô giáo xảy ra những cuộc biến động lớn do những va chạm quyền lực Giáo hội với quyền lực thế tục, giữa Kitô giáo với những tôn giáo khác, những đối kháng quan niệm thần học xảy ra ngay trong lòng giáo hội này đã làm nảy sinh những cuộc ly giáo, những cuộc đối kháng, trừng phạt quyết liệt, đẫm máu... Đây là thời kỳ mà tư tưởng thần học lấy nền tảng khoa học đại học của Thomas xứ Aquinas (1224 – 1274, nhà thần học người Ý) vốn xây dựng trên tư duy logic, lý trí của Aristotle đang phát huy sức ảnh hưởng lên nhiều hệ phái Kitô giáo, tạo ra những chia rẽ, va chạm, phản biện, làm lung lay tận gốc rễ nền thần học truyền thống vốn chỉ dựa trên đức tin. Dĩ nhiên, để củng cố quyền lực, uy thế của mình, những kẻ cuồng tín, trung thành với sức mạnh giáo triều và nền thần học cũ kỹ thời đó xem sản phẩm của thần học Thomas là lạc đạo, lạc thuyết, xem những tác phẩm của Aristotle là sách cấm, triết học là kẻ thù. Ngay từ đầu, Umberto Eco đưa người đọc đi xuyên qua những diễn dịch nghịch thời để du hành vào một cảo bản viết bằng tiếng Latin của Adso xứ Melk (Đức) – một biên ký viên, chủng sinh dòng Benedict ghi chép câu chuyện trong dịp ông cùng thầy mình – William – tu sĩ và là học giả dòng Francisco – đến tu viện cổ Benedict trên ngọn núi tuyết Apennin thuộc Ý. Họ bị cuốn vào trung tâm của vụ điều tra về những cái chết bí ẩn, ghê rợn xảy ra với tu sĩ bên trong tu viện thâm nghiêm này. Người đọc lập tức được ném vào một không gian âm u, huyền hoặc của thế giới tu viện kinh điển, gần như đóng kín, cách biệt với bên ngoài. Ở đây dường như đã xác lập một miền thời gian, không gian và quyền lực tự trị. Nhưng trên thực tế, đây lại là thế giới thu nhỏ của Giáo hội đương thời, nơi tập hợp rất nhiều thành phần, từ kẻ bảo thủ trung thành với giáo triều cho đến những chủng sinh ham khám phá tri thức mới, từ những tu sĩ phái Anh em hèn mọn chống lại quyền lực trần thế đang bị truy đuổi ráo riết cho đến những tu sĩ đầy “tiền án tiền sự”, những kẻ lạm quyền, tham lam, đam mê nhục dục... Hai nhân vật song hành với người đọc, có thể nói là hai biểu tượng có tính bổ khuyết cho nhau mà Umberto Eco đưa ra nhằm nối kết lý trí, sự thông tuệ khoa học với trực cảm, đức tin. Nếu sự uyên bác, tư duy khoa học của William giúp tiến trình điều tra đi xuyên qua các lớp mã, ký hiệu, từ ngôn ngữ kiến trúc đến thánh tích, dụng điển Khải huyền, rọi sáng kho tàng tri thức bị một bóng mây thế lực ngầm che phủ, bưng bít thì cậu chủng sinh trẻ Adso lại có phẩm chất nhạy bén và giàu trực cảm. Và đấu trí với họ, là một Jorge – tu sĩ già mù lòa thoắt ẩn thoắt hiện trong bóng tối nhập nhoạng với những lời xác tín dõng dạc về chân lý, hơn ai hết, lại lộ diện là kẻ sát nhân không gớm tay. Jorge có bốn mươi năm thao túng quyền lực ở một thư viện đồ sộ, nhìn thấy đời sống lầm lạc của nhiều tu sĩ và ra tay điều khiển, chi phối họ. Sử dụng quyền lực của một kẻ kiêu ngạo sở đắc tri thức và những bí mật trong thế giới khép kín, cộng với sự cực đoan bệnh hoạn trong đức tin của mình, Jorge đã tìm cách ngăn chặn những tri thức có tính soi sáng lý trí con người. Ông ra tay ngăn chặn và đi đến thủ tiêu một cuốn sách của triết gia Aristotle viết về hài kịch, tiếng cười và sự thanh tẩy. Điều tồi tệ nhất, Jorge đã âm thầm tẩm thuốc độc lên những trang sách của Aristotle để hạ độc những ai đọc, sở hữu quyển sách này. Phản Chúa nào chỉ Judas Những cuộc tranh luận lần tìm manh mối những án mạng bí ẩn luôn mang dáng dấp những cuộc truy vấn trong truyền thống triết học cổ đại. Những cuộc tranh luận kịch tính và thú vị về vấn đề Chúa có sở hữu của cải hay không, Chúa có cười hay không, tu sĩ nên có thái độ ra sao trước của cải vật chất... đã gợi ra tính luận đề, chạm đến thần học một cách nhẹ nhàng, một địa hạt tưởng xa lạ nhưng đầy thú vị. Có thể tìm thấy tinh thần cởi mở tri thức khắp nơi trong từng câu chữ của cuốn sách này. Đó chính là tạng chất mà người đọc có thể nhận ra ở những tác phẩm khác của nhà ký hiệu học, triết gia, văn hào Ý Umberto Eco, người được xem là một trong số ít những triết gia có sức ảnh hưởng nhất thế giới hiện nay. Những thư viện, nếu là nhà tù của các cuốn sách, thì đó là thế giới tội ác. Umberto Eco để cho ngọn lửa sơ sẩy của Adso thiêu rụi thư viện khổng lồ trong tu viện này, ông đồng thời đã để cho William ném tiếng cười hả hê vào thế giới quyền lực của kinh viện: “Thư viện này có lẽ được xây dựng nên để giữ gìn những quyển sách mà nó chứa đựng, nhưng bây giờ nó sống để chôn vùi chúng. Chính vì thế nó đã trở thành một vũng lầy tội lỗi”. Và đây, William chỉ ra kẻ phản Chúa, không ai khác, chính là kẻ đã cho rằng, Chúa không biết cười, kẻ thù ghét triết học, vì triết học dám “phong thánh cho tiếng cười” (theo cách nói của F.W. Nietzsche): “Tên phản Chúa có thể sinh ra từ lòng mộ đạo, từ lòng yêu Chúa hay chân lý quá mức, cũng như kẻ tà đạo sinh ra từ bậc thánh và kẻ bị ám ảnh từ nhà tiên tri vậy. Hãy sợ các nhà tiên tri (...) và những kẻ sẵn sàng chết vì chân lý vì theo thông lệ họ làm nhiều người khác chết theo, thường là chết trước, có khi chết thay họ (...) Có lẽ sứ mạng của những ai yêu nhân loại là làm cho con người cười nhạo chân lý, là làm chân lý bật cười, vì chân lý duy nhất là học cách giải thoát chúng ta khỏi sự điên cuồng đam mê chân lý”. Tràn ngập những liên văn bản trong một tiểu thuyết mở, Tên của đóa hồng được tạo ra từ một tri thức phức hợp, tiểu thuyết thực sự là cỗ máy sản xuất về nghĩa. Dĩ nhiên, nó cũng ngầm đòi hỏi những nỗ lực nhất định từ phía người đọc. |
0 comments:
Post a Comment